NÚI NÀI
NÉT ĐẸP TRẦM TÍCH ĐẤT THÀNH SEN
Cùng với sông phủ, núi Nài Cảm Sơn là quà tặng thứ hai của thiên nhiên cho mảnh đất thành sen . Từ lâu, ngọn núi này đã trở thành biểu tượng mỗi khi nhắc đến Đất thành sen.
“ Một ngọn núi Nài, một dòng sông Cụt,
Một phố nghèo nuôi lớn cả hồn tôi..”
Ai đã từng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thành sen có từ xa xưa này, ai đã từng đến đây và ở lại đây, chắc hẳn sẽ không quên được bên ngọn núi Nài ấy đã có một trận thắng Mỹ tuyệt vời ngày 26-3-1965, Làm nên những chuyện" tày đình "không chỉ là công sức của mấy vạn dân Thị xã, mà còn phải bàn, phải xét là sức hút, sức kết, sức tỏa của Đất thành sen xưa .
Núi Nài là di tích cồn đất, có một tầng văn hóa, nằm ven chân đồi, có nhiều hiện vật đá và gốm được phát hiện ở đây có niên đại hậu kỳ đá mới. Do đó di tích núi Nài là nguồn tư liệu cần thiết cho việc nghiên cứu di tích văn hóa đá mới hậu kỳ ở bắc Trung bộ. Di chỉ núi Nài được phát hiện khá sớm, nhưng việc khai quật nghiên cứu chưa được tiến hành.
Trước đây Núi Nài có tên gọi là Cảm Sơn Vào những năm đầu của thập niên 30 – thế kỉ XIX, khi đó tỉnh thành còn đóng ở phủ thành Hà Hoa, Tổng đốc An Tĩnh và Tuần phủ Hà Tĩnh đã chọn vùng đất Trung Tiết để được xây tỉnh thành. Tờ trình gửi lên triều đình Nhà Nguyễn (thời vua Minh Mạng) đã ghi rõ: “Đây là vùng đất có địa thế cao ráo rộng rãi, đằng trước có núi Cảm Sơn, lại có một giải sông dài chạy quanh phía trước, vòng sang bên tả, trên thông với Nại Giang, dưới thông ra Cửa Luật (Cửa Sót) (Đại Nam thực lục, t. XII, tr. 25). Người xưa đã chọn đất Trung Tiết, nơi có hình sông thế núi để lập tỉnh thành, hẳn diện mạo Núi Nài lúc ấy không phải như bây giờ, khi thế núi đã thay đổi qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử.
Đặc trưng hiện vật di tích núi Nài là sự tồn tại công cụ mảnh tước, rìu, ghè đẽo, cùng gốm dải cuội, trang trí bàn dập, hòn kê, miệng thẳng và đáy nhọn. Phác vật rìu còn ở trong dạng hình khối, có nhiều vết ghè lớn, lưỡi và các rìa cạnh rất dày, ở núi Nài chưa tìm thấy rìu có vai, không có bôn có nấc mà chỉ có phác vật rìu sơ chế, phác vật rìu hoàn chỉnh, và rìu mài toàn thân, tồn tại chủ yếu dạng rìu mặt cất bầu dục.
Trong đợt thám sát lần đầu ( năm 1976) đã phát hiện được 44 hiện vật đá và một số mảnh gốm trong khu vực di tích. Ngoài ra còn tìm được 7 chiếc bàn mài có vết mài lõm hình lòng chảo, vết rãnh mặt cắt chữ "V", gồm 3 rãnh gần song song và cách đều nhau, hình dạng vết mài không hẳn như bàn mài dấu Bắc Sơn. Rìu mài có 14 chiếc gồm các kiểu chính: đốc thon nhọn, lưỡi xòe rộng, mài nhắn có vết ghè trên thân. Ngoài ra cũng có những rìu mài có mặt cắt ngang hình chữ nhật, 2 rìa cạnh mài bằng và gần song song, đốc và lưỡi có nhiều vết ghè đèo và mẻ do sử dụng. Đây là nguồn tư liệu quý để tìm hiểu đặc trưng văn hóa ở đây và mối quan hệ giữa nó với giai đoạn sớm Quỳnh Vân và giai đoạn muộn Phôi Phối. Khả năng tư liệu cho phép nghiên cứu hậu kỳ đá mới ở đây là rất lớn
Cảm Sơn ngọn đồi nhỏ chưa quá vài chục mét cao, nằm trên đất xã Đại Nài tên tục gọi là rú Nài. Đứng giữa vùng ruộng rộng, làng xóm xanh tươi, rú Nài xinh như hòn non bộ. Tương truyền ngày xưa ở mái núi phía tây có ngôi miếu nhỏ Cảm Linh, thờ Sơn Linh, ở mãi tây nam là ngôi chùa làng, cũng gọi chùa Nài, tên chữ "Cảm Sơn tự". Chùa dựng từ đời Lê, có thể cùng thời với các chùa Thành Sơn ( Cẩm Thành), Nghĩa Sơn (Thạch Lâm) Cũng như hai chùa trên, chùa Cảm Sơn được coi là một trong" Tỉnh thành bát cảnh" ( tám cảnh đẹp ở Tỉnh thành). Chùa không to, chỉ có ngôi nhà chính và hai nhà phụ nhỏ. Mé núi phía trước chùa có cây đa, giếng nước... tôn thêm vẻ đẹp của núi của chùa.'
" Đầu làng Cảm Sơn núi nhỏ
Như bức rèm xanh trước ngõ
Một ngôi chùa cổ chon von
Hoa sim nụ tím nở tròn"
Năm 1965, chùa Cảm Sơn bị bom Mỹ phá hoại hoàn toàn, cây đa giếng nước nay cũng không còn, cảnh xưa chỉ được ghi lại như một kỷ niệm đẹp trong đoạn thơ của nhà thơ Cẩm Lai là vậy. Núi, chùa ở ngay ven phía đông đường cái quan xuyên bắc nam, nên thường được các văn nhân, tài tử ghé thăm, phải chăng các danh sỹ Bùi Huy Bích, Ngô Thì nhậm, Nguyễn Du, bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát đều đã đặt chân tới đây? Ta chỉ biết người để lại dấu ấn đậm nhất là nhà thơ, nhà dinh điều Nguyễn Công Trứ (1778-1858), trong mấy năm 1849-1851, vừa về hưu, ông đã lấy núi Nài làm nơi di dưỡng tinh thần. Ông dựng nếp nhà tranh bên chùa, ở với bà vợ thiếp Phan Thị Bảo quê ở Như Sơn, một làng ở vùng Cửa Sót - Thạch Hà Thường ngày ông lão bảy mươi ba tuổi này ngồi trên xe bò đi dạo quanh vùng, ngắm cảnh, làm thơ. Đi đâu ông cũng đưa bà vợ thiếp, người đào hát mà ông rất quý mến đi theo. Sau này tiến sỹ Trương Quốc Dụng(1797- 1864) quê xã Phong Phú có câu đối về chùa Nài, ca ngợi Nguyễn Công Trứ:
"Đệ nhất lưu hào kiệt anh hùng, Lam giang chỉ thủy, Hồng Lĩnh chỉ sơn, kỳ tại giả hũư tự;
Tam thập tải huân danh sự nghiệp, Tiền Hải chỉ thần, Cảm Sơn chỉ phật, kỳ khứ giả an quy?"
(Hào kiệt anh hùng vào bậc nhất, nước Lam giang, núi Hồng Lĩnh, tìm nguồn có nguồn đó; Tiếng tăm sự nghiệp ba mươi năm, thần Tiến Hải, Phật Cảm Sơn, khi về thì về đâu?)
Phan Bội Châu (1867-1940), nhà cách mạng và nhà thơ nổi tiếng đầu thế kỷ XX, khi lên chơi chùa Nài nhớ đến Nguyễn Công Trứ lại có câu thơ:
"Hà như Uy Viễn tướng công thú,
Túy ủng đào nương đáo pháp môn"
(Sao là cái thú ông Uy Viễn
Say giắt đào nương tới cửa chiến)
Phía tây bắc núi Nài là tỉnh thành Hà Tĩnh, còn ở mé tây nam xưa là phủ thành Hà Hoa có lúc làm đạo thành, từ năm đầu đời Khải Định (1917) đổi huyện Thạch Hà làm phủ. Phủ lỵ dời ra gần bờ bắc sông Nài. Đường thiên lý (nay là quốc lộ 1A) từ bến Cày (Ngọc Điển) qua cầu Vọc, đến phía tây phủ thành bên bến Nài ( Đại Nài). Quán Nài, chợ Đạo, trên bến dưới thuyền đông vui.
Như chúng ta biết, vùng quanh ngọn núi Nài, đã từng là nơi cư trú của một nhóm người tiền sử, nhiều lần đã là bãi chiến trường, và xưa kia cũng là nơi phố xá đông vui, tấp nập. Bao nhiêu sự kiện lịch sử quan trọng đã đi qua đây và sự kiện mới mẻ nhất, đúng gần nữa thế kỷ trước đây, là chiến thắng núi Nài 26-3 và 31-3-1965 đã đi vào lịch sử oai hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Hơn hai tháng sau trận núi Nài, đêm 7-6-1965, nhà thơ Lưu Trọng Lư về thăm núi Nài dưới ánh trăng thượng tuần, đã ghi lại cảm xúc trong bài thơ:
Đêm trăng rú Nài
" Lối đi phẳng dấu đạn cày,
Hố bom thành giếng đã đầy nước mưa
Cá nuôi tăm gợn mép bờ,
Mùa vừa thu gọn, rạ vừa đưa hương
Nữ quân súng gác bên đường'
Con bò gặm cỏ dưới trăng xạc xào..."
Ngày nay nghĩa trang liệt sỹ vừa được xây dựng bên núi Nài như một biểu tượng của lòng yêu nước.
Đầu năm 1965, Đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, tăng cường đánh phá ra miền Bắc. Chúng đã cho máy bay thả bom xuống Vĩnh Linh, Quảng Bình. Nhận định địch sẽ đánh vào Hà Tĩnh, Thường trực Tỉnh ủy, ủy ban và ban chỉ huy quân sự tỉnh đã chuẩn bị phương án để tiêu diệt địch, bảo vệ quê hương. Hai mục tiêu quan trọng lúc đó là khu vực cơ quan Tỉnh ủy và trận địa ra đa trên núi Nài đã được tăng cường bảo vệ. Từ giữa tháng 3 năm 1965, công tác chuẩn bị cho cuộc chiến đấu được gấp rút triển khai. Nhân dân và cán bộ công nhân viên trong Thị xã được lệnh sơ tán về các vùng an toàn. Lực lượng bộ đội và dân quân tự vệ ở lại trực chiến, bắt tay vào xây dựng hầm hào, đào đắp ụ súng. Lực lượng đón đánh địch được bố trí thành nhiều cụm chiến đấu bao quanh hai mục tiêu quan trọng trên. Đại đội pháo cao xạ 27(mang tên Bình Định) trang bị pháo 37 ly gồm 4 khẩu được bố trí ngay trên núi Nài để trực tiếp bảo vệ trận địa ra đa. Dân quân tự vệ ở Thị xã tổ chức trực chiến tại các điểm như sân vận động, nhà hát, hồ Dâu,, bệnh viện, hồ công an vũ trang,ở các xã phụ cận như: Thạch Yên, Thạch quý, Thạch Phú, Thạch bình Thạch Linh, Thạch Trung...dân quân được trang bị tiểu liên, súng trường, cũng luôn sẵn sàng bên các ụ súng. Lúc này nhận được lệnh của Trung ương, bộ đội của tiểu đoàn 8 trường sỹ quan pháo binh, mới đi thực tập ở Quảng Bình về đã ở lại tăng cường thêm lực lượng cho Hà Tĩnh. Ta đã ở trong tư thế sẵn sàng chờ địch. Sáng ngày 25-3-1965, trận địa ra đa đã được ta bí mật dời về vị trí an toàn. Ngay trong đêm 25-3 và sáng ngày 26-3-1965, trên núi Nài, công nhân nhà máy gỗ thị xã phối hợp với bộ đội đã tranh thủ dựng xong một đài ra da giả để đánh lừa địch, mọi việc chuẩn bị cho trận đánh cơ bản đã hoàn thành.
Khoảng quá trưa ngày 26-3-1965, máy bay địch xuất hiện ở đèo Ngang. Lệnh báo động được truyền đi. Từ phía Cửa Nhượng, từng tốp máy bay địch khoảng 2 đến 3 chiếc một bay thẳng vào đất liền. Chúng vòng lên phía tây nam và lợi dụng ánh nắng chiều, bổ nhào cắt bom xuống trận địa núi Nài. Mặt đất rung chuyển bởi tiếng bom và đạn pháo. Những chiến sỹ thuộc đại đội pháo Bình Định, dưới lá cờ chỉ huy của đại đội trưởng Nguyễn Đức Mai đã kịp thời nổ súng bắn chặn đầu khi máy bay địch hung hãn sà xuống thấp. Sau khi phát hiện được hỏa lực của đại đội 27, máy bay địch bay tới lao xuống bắn phá điên cuồng vào trận địa. Chúng đã ném xuống núi Nài hàng trăm quả bom, hàng nghìn quả rốc két và đạn 20 ly. Mặt đất, bầu trời Thị xã Hà Tĩnh rung chuyển vì tiếng nổ của bom đạn, tiếng gầm rít của máy bay phản lực Mỹ. Pháo của khẩu đội 3 bị bom hất lên thành công sự, có chiến sỹ đã hy sinh.
Một khẩu pháo bị hỏng nặng, một số chiến sỹ đã hy sinh ngay trên mâm pháo, nhiều đồng chí bị thương. Đại đội trưởng Mai và chính trị viên Dương Chí Uyển tuy bị thương nhưng vẫn cố gượng dậy để tiếp tục chỉ huy và động viên tinh thần các pháo thủ. Giữa hai làn bom, những cô gái dân quân vùng Đồng Quế đang làm đồng chạy thẳng vào trận địa để tiếp đạn cứu thương, nhiều em nhỏ trong đội thiếu niên Thành Đông vác lá ngụy trang băng về phía trận địa. Đây là trận đánh giặc của toàn dân, thầy thuốc, thầy giáo, học sinh, công nhân, nông dân, phụ lão và trẻ em... Lúc này bom vẫn nổ và tiếng súng bắn trả từ mặt đất vẫn dữ dội. Các làn đạn từ các hướng chụm lại tạo thành một lưới lửa dày đặc. Sau gần một giờ tập trung oanh tạc xuống trận địa núi Nài và các vùng lân cận, trước lưới lửa phòng không dày đặc của ta, máy bay địch phải tháo chạy, trận đánh kết thúc. Kết quả của trận đánh, 12 máy bay địch bị bắn rơi..."đây là một trong những trận tiêu diệt máy bay Mỹ giòn giã, lớn nhất kể từ ngày 5-8 -1964 lại nay" (Đài tiếng nói Việt Nam). Bộ tư lệnh QĐND Việt Nam đã gửi điện khen ngợi chiến công của quân dân Hà Tĩnh. Với trận thắng này, quân dân Hà Tĩnh đã buộc "thần sấm" uy thế của không lực Hoa Kỳ không còn "rên" mà phải khóc "rên" trên bầu trời Hà Tĩnh.
Cũng trong tối hôm đó, một bản tin phương Tây đã phải thú nhận trong trận đánh vào núi Nài " không lực Hoa Kỳ đã phải thiệt hại nặng nề". Sau chiến thắng, 16 đơn vị và 17 cá nhân được được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công. 9 đơn vị và 2 cá nhân được Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen... Một Huân chương Quân công hạng ba tặng" dân quân tự vệ và nhân dân, cán bộ Thị xã Hà Tĩnh...
Có những anh hùng lực lượng vũ trang đã xuất hiện từ trong máu lửa như Dương Chí Uyển. Bị thất bại trong trận 26-3, nhưng đến ngày 31-3-1965 máy bay Mỹ lại tiếp tục đến bắn phá núi Nài, Mũi Đao, và doanh trại quân đội ở Hương Khê. Quân dân các địa phương cảnh giác cao độ, nổ súng kịp thời, 3 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có chiếc thứ 100 máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc. Chiến công này là của dân quân Hà Tĩnh được ghi lên lá cờ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược mà Bác Hồ trao tặng cho quân và dân Quân khu 4. Ngày mùng 2-4-1965, Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực UBHC tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức lễ mừng công chiến thắng 26-3 và 31-3. Tại buổi lễ, đồng chí Chủ tịch UBHC tỉnh đã đọc bản báo cáo quan trọng nêu lên tội ác dã man của Đế quốc Mỹ, ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm, lập công chiến đấu xuất sắc của quân dân Thị xã Hà Tĩnh, khẳng định những bài học quý giá có ý nghĩa to lớn của chiến thắng 26-3 và 31-3-1965…
Chiến tranh đã lùi xa, Núi Nài đã lành lặn vết thương bom đạn. Giờ đây Núi Nài không những nên thơ mà còn là địa chỉ tâm linh trong tín ngưỡng của người Thành Sen. Núi ẩn chứa sức mạnh phi phàm đầy quyền uy như một pháo đài sừng sững, bất khả xâm phạm,như một bức bình phong thiên tạo ôm ấp che chở lấy mãnh đất thành sen từ trong rốn ruột mà vượt qua bao biến động của dịch hoạn, thiên tai ... Trải qua bao giông tố thời gian, núi Nài càng được biết đến như một bảo tàng thu nhỏ của nhiều di tích lịch sử - văn hóa, gồm cả một hệ thống đền, chùa, miếu... với nhiều nét kiến trúc khác nhau. Nổi bật là Chùa Cảm Sơn, ngôi chùa linh thiêng được xây dựng từ thời hậu Lê vào khoảng năm 1653-1657 , chùa là nơi tĩnh tâm của Phật tử gần xa khi về dưới cửa Phật. Đêm đêm, tiếng chuông chùa thỉnh lên ngân nga trong trầm lắng, tiếng mõ tụng kinh đều đều trong thanh bình như luôn nhắc người đời hãy sống thiện tâm hơn.,và Nghĩa trang liệt sĩ Núi Nài (tổ dân phố 7, phường Đại Nài, TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), được xây dựng năm 1975, trên khuôn viên có diện tích khoảng 3 hécta.Nghĩa trang là nơi chôn cất hơn 1260 hài cốt của các liệt sĩ đã hi sinh qua hai cuộc chiến tranh.
Sau hơn 30 năm đổi mới TP Hà Tĩnh hôm nay đang nối gót tiền nhân, phát huy hết tiềm năng lợi thế để xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Hà Tĩnh . Núi Nài với chùa Cảm Sơn và những trầm tích văn hóa ở đây luôn là những mạch ngầm vẫn âm thầm chảy trong nhịp điệu mới,là một chốn yên bình giữa lòng phố thị.Để trong những bước phát triển mới, người ta luôn tự hào về nền móng đã được kiến tạo từ quá khứ của cha ông…
Trần Thanh Phong