Xã Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh, long trọng tổ chức lễ đón nhận
bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Thành Hoàng.
Sáng ngày 25 tháng 5 năm 2024, xã Thạch Bình long trọng tổ chức lễ đón nhận di tích lịch sử đền Thành Hoàng.
Về tham dự với buổi lễ có các đồng chí đại diện lãnh đạo sở Văn hóa thể thao và du lịch, các đồng chí lãnh đạo bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh.
Về phía thành phố có đồng chí Trần Hậu Tuấn Ủy viên ban thường vụ Thành ủy, trưởng ban tuyên giáo, giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính thành phố Hà Tĩnh, trưởng đoàn công tác phụ trách xã Thạch Bình, đồng chí Hồ Quốc Tuấn Thành ủy viên, trưởng phòng VHTT thành phố, các đồng chí chuyên viên phòng nội vụ, đài truyền hình thành phố đến dự và đưa tin.
Đền Thành Hoàng xã Thạch Bình thuộc thôn Bình Minh, xã Thạch Bình, Thành phố Hà Tĩnh. Đền được xây dựng gần bến sông Phủ (tên gọi của sông Rào Cái đoạn chảy qua địa phận của phường Đại Nài và xã Thạch Bình.
Thờ thần Thành hoàng là một tục lệ thờ cúng có từ xa xưa, bắt nguồn từ Trung Quốc. Thời kỳ Bắc thuộc, tục lệ này đã du nhập vào nước ta và đến thời kỳ Đinh - Tiền Lê thì trở nên phổ biến trong từng làng xã. Đối với người Việt, làng là đơn vị kinh tế - văn hóa - xã hội thống nhất gắn bó, là mối liên kết chặt chẽ của các gia đình, dòng họ thành một cộng đồng chung về lãnh thổ cũng như đời sống sinh hoạt, sản xuất. Thờ thần Thành hoàng là một trong những yếu tố thể hiện sự gắn bó, đoàn kết ấy. Nhân vật được tôn thờ có thể là một vị thần bảo hộ sự bình an cho con người, có thể là một vị tổ nghề, hoặc là người khai hoang lập nên làng xóm.
Về sau, đền thờ thêm vị nhiên thần là thần Rắn. Lần theo các câu chuyện truyền ngôn do các cụ cao niên trong làng kể lại, thuở xưa nơi đây còn là bãi ven sông, ao hồ đầm hói nhiều, nay vẫn còn nhiều dấu tích thông qua tên gọi như hói Lò, bàu Su, bàu Cạn…. Cuộc sống nơi sông nước khiến con người vừa e sợ vừa dựa dẫm vào các thế lực siêu nhiên, xuất hiện nhu cầu được che chở, phù hộ từ các vị thần linh liên quan đến nước, và rắn được coi là đại diện của thủy thần.
Sau khá nhiều năm thu thập thông tin, xây dựng hồ sơ, phối hợp với cấp trên về nghiên cứu, tìm hiểu để trình Sở VHTT và DL xem xét. Tháng 02 năm 2024 UBND đã có quyết định công nhận đền Thành Hoàng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đây là một điều tự hào của cán bộ và Nhân dân xã Thạch Bình nói riêng và và bà con Nhân dân các phường xã bạn.
Qua thời gian một buổi, lễ đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử đền thành Hoàng đã tổ chức rất trọng thể, chu đáo và hết sức thành công, chương trình gồm có 3 phần chính: Lễ trao nhận bằng được tổ chức tại hội trường UBND xã, lễ rước bằng từ UBND xã về tại đền và sau cùng là lễ dâng hương của các cấp, các ngành.
Trong buổi lễ quý vị đại biểu, quý vị khách quý, bà con Nhân dân dã được nghe đồng chí Chủ tịch UBND Đoàn thị Diễm Hương báo cáo tóm tắt về lịch đền Thành Hoàng, sơ lược vài nét về tình hình phát triển của đời sống Nhân dân xã Thạch Bình hiện nay.
Cũng trong chương trình đồng chí Trần Hậu Tuấn, Ủy viên BTV thành ủy, giáp đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị, trưởng ban tuyên giáo, trưởng đoàn phụ trách xã Thạch Bình đã phát biểu ghi nhận, biểu dương sự chuẩn bị đày đủ trong tất cả các nội dung, chương trình, công tác tổ chức trang trọng, chu đáo và mang màu sắc đậm nét văn hóa truyền thống của địa phương, chương trình văn nghệ chào mừng sôi động và ý nghĩa và đồng chí cũng đã xoáy vào chỉ đạo cán bộ và Nhân dân tiếp tục nêu cao tình thần của các bậc cha anh đi trước, xây dựng và phát triển đời sống Nhân dân ngày một đi lên, giữ gìn phát huy những giá trị văn hóa quý báu trên địa bàn.
Đây cũng là dịp để cán bộ và Nhân dân hiểu thêm về ý nghĩa sâu sắc của các giá trị văn hóa có từ hàng ngàn năm mà cha ông để lại, hy vọng bà con Nhân dân luôn coi đây là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, làm tốt công tác xã hội hóa để tiếp tục xây dựng giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa trên địa bàn.
Hùng Lâm