SÔNG PHỦ

            Dòng Sông Văn Hoá Và Lịch Sử

                                                                               Trần Thanh Phong

               Người xưa thường nói “Phúc lớn có sông”, con sông, dòng chảy tâm hồn,uốn lượn, mềm mại, hiền hòa nhưng cũng cuồn cuộn  dữ dội, trào dâng. Mỗi một con sông kể một thiên sử định hình một ký ức lịch sử của cộng đồng. Sông không chỉ bồi đắp phù sa thực thể mà còn lắng đọng những tầng văn hóa, nơi dòng sông là trang sử ký,ký ức của bao người bao thế hệ

             “Chuyện bao đời sông biết cả

               Miệt mài chảy mãi khôn nguôi”.

        Sông Phủ chính là quà tặng vô giá mà tạo hóa đã dành riêng cho mảnh đất Thành Sen. Hình ảnh núi Nài cùng với sông Phủ đã trở thành biểu tượng của Thành Phố Hà Tĩnh. Sông phủ có từ bao giờ đến nay chưa ai đoán chắc được tuổi của nó,Theo sử sách cho biết Sông Phủ Tên Cổ xưa còn có tên gọi là Sông Nghiêu (Nghiêu Thủy (堯水) một số tài liệu viết là Nghiêu Giang , Nại Giang, Sông Ngàn Mọ,Còn gọi là Rào Cái ( Tiếng địa phương gọi là Rào Cấy),“Cẩm Xuyên phong thổ ký” lại chép là Sông Vân, là dòng sông hội tụ của hàng trăm khe suối từ dãy Trà Sơn đổ về.

         Sông Phủ là một trong những con sông lớn của Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Hà Tĩnh, Sông bắt nguồn từ vùng rừng núi phía tây Cầm Xuyên tiếp giáp với Hương Khê (có tài liệu viết  bắt nguồn từ vùng núi Cúc Thảo) đổ về Ngàn Mọ - Kẻ Gỗ (nay là hồ Kẻ Gỗ). Từ đây dòng chính chảy xuống ngã ba Mẹ (Cẩm Mỹ), ngã ba Kênh Cẩm Duệ) rồi theo hướng bắc đến Cẩm Thành, Cẩm Vịnh đến Thạch Lâm thì theo hướng đông bắc, đi giữa Cầm Xuyên và Thạch Hà qua Thạch Tân, Đại Nài,Thạch Bình (Xứ Bạch Trì - Vạn Lạc Thuỷ - Phất Não Xưa) vòng qua Thành phố Hà Tĩnh đến cầu Đò Hà, xuống Đồng Môn, Thạch Khê, Thạch Đỉnh, đổ vào sông Hộ Độ ở ngã ba Sơn mà ra cửa Sót. Hiện nay sông có nhiều đoạn làm ranh giới tự nhiên giữa Thạch Hà với Cẩm Xuyên, giữa Thạch Hà với Thành Phố Hà Tĩnh.

          Sông Phủ có chiều dài khoảng 74 Km. Nhưng từ cửa sông đến trạm thủy văn Kẻ Gỗ là 24,4 Km, đến tuyến đập chính là 29 Km. Độ dốc bình quân đến trạm thủy văn là I= 0,0022, đến tuyến đập chính là 0,0023. Diện tích lưu vực sông tình đến trạm thủy văn Kẻ Gỗ là 230 Km2, đến tuyến đập chính là 223 Km2. Phía tả ngạn, lưu vực toàn là núi cao, phía hữu ngạn gồm những quả đồi thấp liên tiếp, Diện tích rừng che phủ trong lưu vực trước đây là 60%.

          Trong dân gian hiện nay còn lưu giữ nhiều sự tích về Sông Phủ với những câu chuyện đầy huyền thoại , thì Sông Phủ được tạo nên sau cuộc chấn động trong lòng đất cách đây hơn 50 triệu năm,cuộc chấn động tạo thành một đường nứt nối dài ra tận biển đông trông hình dáng như một con rồng đang uốn lượn. Trải qua bao biến thiên dời đổi sông có được diện mạo ổn định vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” như ngày hôm nay .

         Với nét tĩnh lặng vốn có của mình Một vẻ đẹp riêng Của Sông Nghiêu Thuỷ đó là khi thì hiền hòa, bình yên, lặng lẽ, có lúc lại uy vũ, ồn ào với dòng chảy siết mạnh và dâng cao vào mùa mưa lũ . Một số Tương truyền khác thì cho rằng con  sông này do Cụ Đặng Văn Kiều (Hiệu Nghiêu Đình Tiên sinh) đỗ Thám Hoa năm Ất Sửu (1865) đặt tên là sông Nghiêu, ý muốn ví dòng sông này đẹp hiền hòa như hai vị vua Nghiêu - Thuấn. Là nơi Tụ Thuỷ Tụ Khí đất lành chim đậu với ước nguyện dấu chân Vua Nghiêu Thuấn, hầu mong sau này sẽ có những bậc hiền tài giúp nước thương dân.

          Mỗi năm con sông này thường gây ra từ ba đến năm trận lũ lụt. Trận lụt khủng khiếp tháng chín năm Giáp Tuất (1934), dù cách nay đã gần tám mươi năm, nhưng nhân dân vùng này vẫn không bao giờ quên trong ký ức :

          "Chuyện năm Giáp Tuất vừa rồi,

      Trung tuần tháng chín, hai mươi rõ ràng

               Nước lụt thì lút cả làng,

       Trâu bò chết đuối tất ngang cầu Nài"...

Và hậu quả của những trận lũ lụt ấy thì thật là thê thảm:

      “Làm mùa ba hột tháng mười,

        Mười chín lụt lội hai mươi trâu bò,

        Trời đất chẳng thấu tình cho

       Dân gian như thể chiếc đò chèo ngang”

 

         Cũng chính sự hung dữ của dòng sông Phủ là “thủ phạm” đã làm đổi dòng Cửa Sót. Cửa Sót nguyên xưa chảy qua làng Dương Luật (Thạch Hải phía nam rú Bể, giữa Nam Giới và hòn Mốc. Dòng chảy đó theo thế nước hướng đông nam của sông Nghèn - Hà Hoàng. Về sau có khi nước sông Nghèn bị phân tán, yếu dần, trong khi đó lượng nước sông Phủ từ Ngàn Mọ đổ về vốn rất mạnh luôn muốn ép sông Sót theo hướng dòng của nó mà đổ vào con hói. Theo thời gian quá trình xâm thực, khoét lở cứ ngày một dữ dội thêm, như trong tự nhiên chúng ta thường thấy.

 

          Rồi nhân những trận lụt bão lớn, dòng nước sông Phủ hung dữ đã cắt ngang dòng chảy sông Sót từ phía nam (nam rú Bể), quật hẳn sang phía bắc (bắc rú Bể), dồn toàn bộ nước sang con hói cũ. Độ lớn của dòng chảy và lưu tốc cũng được nâng lên nhanh chóng, đưa con hói từ một chi lưu thành dòng chảy chính và trở thành cửa Sót ngày nay. Ngày nay Tuy cửa Sót đổi dòng vào thời gian nào thì đến vẫn chưa thấy tài liệu nào xác minh được thật rõ. Nhưng nay đứng trên gò cao Mai Phụ phóng tầm mắt xuôi về phía biển chúng ta cũng dễ dàng nhận ra tình trạng biến thiên đó . Từ những năm đầu thế kỷ XX,người pháp đã nghĩ đến việc đắp đập chế ngự dòng sông này để dẫn thủy nhập điền nhưng chưa thực hiện được . Cho đến ngày 26/3/1976,khi đất nước thông nhất công trình hồ kẽ gỗ và thượng nguồn sông Phủ được khởi công vào ngày 11/6/1976 và đến ngày 3/2/1977 thì công trình được bắt đầu đưa vào sử dụng. Từ một con sông được ví như thủy quái dễ gây tai ương , qua bàn tay trí tuệ và sự thuần hoá của con người đã trở thành một nguồn lợi tuyệt vời cho một vùng rộng lớn của Thạch hà - Cẩm Xuyên và Thành Phố Hà Tĩnh .

          Sông Phủ đoạn chảy qua Phường Đại Nài,  xưa gọi là Nài Giang.Đoạn này cũng tương đối dài từ Đức Lâm (Thạch Lâm) vòng xuống đến Hoàng Hà (Tượng Sơn). Trong đó có đoạn chảy qua phủ thành Hà Hoa xưa, sau này là phủ lỵ Thạch Hà nên còn gọi là sông Phủ. Cái cầu trên quốc lộ 1A bắc qua sông ở đây cũng gọi là cầu Phủ. Đoạn chảy qua Phất Não xưa, nay là xã Thạch Bình, có Chùa Vãn Nghiêu ,bến Đò Neo, Đền Thành Hoàng … Sinh thời 3 cha con Thám Hoa Đặng Văn Kiều(1824-1881) con trai là Cử nhân Đặng Văn Bá (1873-1931), một yếu nhân của Hội Duy Tân ,Tú Tài Đặng Văn Đàn (1877 - 1936) đều lấy cảm hứng từ sông phủ mà đặt tên hiệu cho mình ( Nghiêu đình tiên sinh  ,Nghiêu Giang Tiên sinh , Nghiêu Xuyên Điểu Tầu) . Riêng Tú Tài Đặng Văn Đàn thường chèo thuyền trên sông suy ngẫm việc nước và ví mình như ông lão câu cá trên sông Nghiêu và ông có bài thơ nói về thú đi câu như sau :

 

    “  Sông Nghiên một giải nước veo trong

      Xốc vác cần câu chuông tảng sáng,

      La đà đãy cá trống thu không,

      Gần nhà ẩn bỏng thơ đầu núi,

      Gặp bạn hò chèo, rượu giữa sông”...

 

          Sông Phủ ngày đó cũng là một con sông không những đã từng chứng kiến mà còn là chứng tích của biết bao nhiêu sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước đã diễn ra ở đây. Sông Phủ đã từng là phên dậu của đất nước, là biên giới Việt - Chiêm một thời binh lửa. Đó là thời kỳ đầu thế kỷ thứ X, những năm 907 - 910, người Chiêm đã đẩy đường biên giới quốc gia của họ từ phía đông là núi Nam Giới cho đến phía tây là núi Đá Bạc. Nay từ Cẩm Thành lên Cẩm Thạch vẫn còn dấu vết những thành cổ kéo dài khoảng 3km gọi là “Thành Chàm Những cái tên Nam Giới (biên giới phía nam), Rú Mốc (Mộc Sơn) cũng xuất hiện từ thời đó. Cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn xẩy ra bảy đợt, kéo dài 45 năm (1627- 1672), nhiều lần diễn ra ác liệt ở đây. Nổi bật nhất là trận tháng 5/1656 quân Nguyễn đánh vào cửa Sót, thủy quân Trịnh bỏ thuyền chạy tán loạn. Nhưng quân Nguyễn thừa thắng ngược dòng sông Phủ lên vây đánh Đào Quang Nhiêu ở Hương Bộc (Thạch Hương ngày nay) lại thất bại, bị quân Trịnh đầy xuống Đại Nài đánh cho tan tác. Chiến tranh cứ triền miên kéo dài mãi khiến cho cảnh nồi da xáo thịt thêm thảm khốc ,dân hai bên sông chán ngán, những câu ca dao tha oán bi thương từ thời ấy vẫn truyền mãi đến ngày nay : 

          “Giặc ra thuyền chúa lại vào

         Cửa nhà lại đổ, Hầm đào lại xây”

       Vào Triều đại Tây sơn Sông Phủ cũng đã từng chứng kiến cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung từ Phú Xuân ra Bắc đại phá quân Thanh qua đây vào một đêm cuối tháng 12 năm 1788. Khi đến đây, để gấp rút chuyển quân qua sông, vua Quang Trung đã cho ban bố ngay bài Hịch gọi đò. Nguyên văn bài hịch bằng chữ Nôm như sau:

            "Ngang thiên chi tướng

              Bùng binh chi quân

              Khẩn đảo Bắc Hà

              Tào trừ Thanh tặc

              Đại binh chi tề tựu giang biên

              Yếu đắc cấp hành tốc hạn

              Sở tại chi quan

              Giang biên chi dân

              Tốc bát giang thuyền

              Giải thanh bề bề bộn bộn

               Bất lại tắc trảm trảm tru tru

                              Tư truyền” 

 

        Dân hai bên bờ sông ( Đại Nại - Phất Não) không những hưởng ứng lời hịch , đem hết mọi loại thuyền bè lớn nhỏ ra chuyên chở binh lính, lương thảo qua sông mà nhiều người còn tình nguyện theo nghĩa quân Quang Trung, về sau có người đã trở thành những thủ lĩnh cầm quân giỏi như đô đốc Hồ Phi Chấn (Trung Thùy), Đô đốc Dương Văn Tào (Mỹ Duệ) . Năm 1848, Tự Đức nguyên niên, Uy Viễn Tướng Quân Nguyễn Công Trứ Cáo Lão về quê, Cụ Trứ nhờ nhân dân giúp đỡ, dựng một ngôi nhà lá rất nhỏ cạnh chùa Cảm Sơn dưới chân núi Nài, cách sông Phủ chừng vài Bước . Mỗi lần cao hứng cụ cùng với phường hát Như Sơn (Đại Nài) tổ chức các thuyền hát ả đào dập dìu, say sưa dưới sông tới tận tàn canh .Chắc chắn, sông Phủ, núi Nài và các đào nương phường hát Như Sơn là một phần thi liệu trong các sáng tác hát nói nổi tiếng của Nguyễn Công Trứ mà ngày nay đã trở thành những bài hát ca trù được nhiều giáo phường sử dụng .

           Điểm qua một số sự kiện lịch sử qua các thời đại trên đây cũng đủ để cho thấy rõ, con sông Phủ ( Rào Cái - Ngàn Mọ - sông Nài - sông Nghiêu )hiền hòa ngày nay không chỉ là nơi chứng kiến các sự kiện lịch sử, mà đã từng là bãi chiến trường, là biên viễn, là phên dậu một thời của nước Việt cổ .

          Nhiều chiếc cầu , nhiều bến đó , bến phà trên sông phủ mãi mãi được khắc ghi trong trí nhớ và tình cảm của mọi người vì nó gắn liền với sự qua lại làm ăn của cư dân một vùng rộng lớn. Từ Thạch Lâm xuống ngã ba Sơn có bến đò Chợ Bến, bến đò Nài, bến đò Neo, bến đò Hà, bến đò Bang, bến đò Đồng môn …tuy nhiên bên cạnh sự tấp nập của bến thuyền, thì nỗi khổ Luỵ Đò  cũng từng để lại nhiều sự đau đớn thảm khốc.

Gần nhất là năm Mậu Thân (1968),Đò Đồng Môn bị giặc Mỹ ném bom chết 17 người. Ngày mồng 1 tháng 12 năm Quý Sửu (1973), sóng tố lật đò làm chết trên 20 người. Đến nay, văn còn để lại trong dân địa phương những lời đau xót:

 “Năm bảy mươi ba xẩy đắm đỏ,

Nỗi đau thuở ấy thật khôn đo."...

           Thời kháng chiến chống Pháp, cầu Phủ bị phá trong tiêu thổ kháng chiến, bến đò Nài và bến đò Neo trở thành một bến phà lớn ngày đêm tấp nập chuyên chở người, hàng, ra Bắc vào Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ đây là một bến phà quan trọng, một trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ và cũng là một trận địa pháo phòng không quyết chiến quyết thắng của quân dân ta.

           Cầu Phủ hiện nay được xây bắc lại vào năm 1990, rộng 8+2 x 1, dầm bằng kết cấu bê tông cốt thép, tải trọng H30, trên Quốc Lộ IA, lý trình K514+800. Hầu hết các bến đò xưa, nay đã có cầu vĩnh cửu bắc qua nhưng hình ảnh những con đò vẫn không thể xóa nhòa, nên cầu mà vẫn cứ mang tên đò một thủa như “cầu Đò Hà, bến đò neo,cầu Đò Bang"... là vậy.

           Ngày nay Nước sông Phủ mặn lợ, không phục vụ được cho nông nghiệp nhưng thuận lợi cho giao thông du lịch lễ hội và nuôi trồng đánh bắt thủy Hải sản. Quả không hổ danh là một trong những “ Tĩnh thành bát cảnh” biểu tượng đẹp đẽ của một vùng quê nghĩa tình và nhân hậu lại rất đỗi hiền hòa cho con người soi bóng, vừa hoành tráng vừa diễm lệ, vừa thơ mộng song cũng đầy minh triết... Sông Phủ do vậy, ngoài cảnh quan tuyệt bích do thiên nhiên ban tặng, còn là dòng sông tâm linh, dòng sông lịch sử, dòng sông di sản của Thành sen xưa và nay.

           Hằng năm vào các ngày lễ lớn , trên dòng sông Phủ hiền hòa TP Hà Tĩnh từng bừng tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống. Đây là nét đẹp văn hóa của cư dân , với tâm niệm cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân yên vật thịnh, mà còn nhằm phát huy lan toả những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, khơi dậy những tiềm năng lợi thế trong phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ trên bến du thuyền sông Phủ, trên sông Rào Cái.. góp phần xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh, văn minh./.

     

        

Tự sản xuất


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Bản đồ hành chính
       Liên kết website
      Thống kê: 181.571
      Online: 6