Vị trí địa lý, diện tích tự nhiên

Tổng diện tích tự nhiên của xã Thạch Bình là 371 ha. Phía Bắc giáp xã Tượng Sơn, xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà, phía Đông giáp xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, phía Nam giáp xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, phía Tây giáp phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh

Dân cư

Dân số đến năm 2023 là  2.958 nhân khẩu, được chia thành 6 thôn.

Tôn giáo: Có 5 hộ tôn giáo sống tại khu vực thôn Xóm Mới và Bình Lý

Hành chính

Trước đây xã có 8 xóm: Bình Minh, Bình Lý, Bình Yên, Bình Tây, Bình Nam, Bình Đông, Bình Bắc và Xóm Mới. Hiện nay, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính thì xã còn 6 xóm là: Xóm Tây Bắc (Bình Tây và Bình Bắc gộp lại), Đông Nam (Bình Đông và Bình Nam gộp lại), Bình Lý, Bình Yên, Bình Minh và Xóm Mới.

 Xã Thạch Bình - Huyện Thạch Hà - tỉnh Hà Tĩnh được tách từ xã Thăng Bình, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh từ năm 1953. Đến tháng 01 năm 2004, xã Thạch Bình được chuyển từ huyện Thạch Hà sáp nhập vào Thị xã Hà Tĩnh.

   Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhân dân xã Thạch Bình đã cùng với nhân dân cả nước anh dũng hy sinh sức người, sức của tham gia các phong trào chống giặc cứu nước. Với những thành tích trong 2 cuộc kháng chiến, xã Thạch Bình đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang vào năm 1998.

I. Đặc điểm tình hình:

Xã Thạch Bình có vị trí địa lý nằm ở cửa ngõ phía Nam của thành phố Hà Tĩnh; có đường Quốc lô 1A đi qua địa bàn với chiều dài 1,8 km chạy dọc theo chiều dài của xã, có tuyến đường liên huyện đi qua 2.34 km ( đường Đặng Văn Bá). Diện tích tự nhiên là 379,25 ha. Dân số 2958 người, có 793 hộ dân (năm 2023). Trước năm 2012, xã có 8 thôn, tháng 6 năm 2012 thôn Bình Đông và Bình Nam sáp nhập thành thôn Đông Nam; thôn Bình Bắc và thôn Bình Tây sáp nhập thành thôn Tây Bắc vì vậy hiện nay xã có 6 thôn.

Những năm qua kinh tế xã nhà từng bước phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 16,5%, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 46,3 triệu đồng, kết cấu hạ tấng nông nghiệp nông thôn được cải thiện đáng kể; văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc, xã có 5 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng (Nhà thờ Nguyễn Cao Đôn, nhà thờ và mộ cụ Nguyễn Đình Quyền, nhà thờ Thám hoa Đặng Văn Kiều, nhà thờ Trần Hữu Dần và nhà thờ Tướng quân Trần Danh Hùng); Quốc phòng an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị vững mạnh, nhân dân đoàn kết cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách cúa Nhà nước.

II. Quá trình hình thành và phát triển:

Theo gia phả của các dòng họ, thì làng Phất Nạo được hình thành từ cuối thể kỷ XV đến đầu thế kỷ XVI. Dưới thời nhà Nguyễn (1831) đến năm 1947 là xã Phất Nạo, thuộc huyện Thạch Hà, Tổng Thượng Nhất.

Phất Nạo là một làng cổ, có kinh tế phát triển với nông nghiệp và một số ngành thủ công đặc thù, đặc biệt là nghề bện nôi. Nhưng tiêu biểu của Phất Nạo là làng học hành khoa bảng. Có tiến sỹ là Trần Viết Thứ (1487-1556) đỗ Đệ tam giáp tiến sỹ đồng xuất thân khoa Tâm Mùi, đời Lê Tương Dực, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3(1511); Nguyễn Hoành Từ (1536-1599) đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ; Thám Hoa là Đặng Văn Kiều (1824-1881) thi đỗ Đệ Nhất giáp Đệ tam danh nhã sỹ cập Đệ nhất danh, khoa thi đặc biệt gọi là chế khoa năm Ất Sửu, niên hiệu Tự Đức thứ XVIII (1865) (tức là Thám Hoa).

 Hiện nay, toàn xã có 5 di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh đó là nhà thờ Nguyễn Cao Đôn; đền thờ và mộ Nguyễn Đình Quyền; nhà thờ Thám hoa Đặng Văn Kiều và nhà thờ Trần Hữu Dần và nhà thờ tướng quân Trần Danh Hùng.

Một số đặc điểm kinh tế, văn hoá – xã hội:

 Về kinh tế: Xã Thạch Bình là xã ngoại ô Thành phố, có chiều dài đường quốc lộ 1A đi qua với gần 2 km, bám dọc theo tuyến đường này có trên 100 hộ dân làm nghề TTCN, TMDV. Trong đó, có 15 doanh nghiệp, 3 hộ sản xuất gạch, 32 hộ vận tải vừa và nhỏ, 16 hộ kinh doanh lăng mộ, 30 hộ sản xuất kẹo cu đơ, còn lại là các hộ kinh doanh buôn bán khác, hầu hết đang ở quy mô nhỏ lẻ. Số còn lại ở các vùng dân cư không bám theo trực đường 1A, dân số sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, tập trung chủ yếu ở trồng trọt và chăn nuôi. Trong những năm qua, được sự chỉ đạo sâu sát của Đảng uỷ, chính quyền địa phường, sự quan tâm của các ban ngành cấp trên, tình hình kinh tế địa phương ngày một phát triển, đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc. Đặc biệt là từ năm 2004 xã Thạch Bình chuyển địa bàn hành chính từ huyện Thạch Hà về sáp nhập Thị xã Hà Tĩnh (nay là Thành phố Hà Tĩnh), được sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên, địa phương đã xây dựng thành công xã NTM nâng cao

 Về văn hoá, xã hội: Toàn xã có 6/6 thôn đạt làng văn hoá, hàng năm có 95-97% hộ gia đình đạt văn hoá. Tất cả các thôn có hương ước thôn và triển khai thực hiện nghiêm túc. Là địa phương có quy mô dân số ít nên học sinh ở các cấp học không nhiều, năm 2016 trường THCS Thạch Bình được sáp nhập vào trường THCS Đại Nài,  Trường Tiểu học mối năm có khoảng từ 140 đến 165 em, chất lượng dạy và học  ngày càng nâng lên rõ rệt.

Trạm y tế đã đạt chuẩn quốc gia từ đầu năm 2008, hàng năm làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, đảm bảo không để các dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

 Về quốc phòng, an ninh: Quốc phòng, an ninh luôn được giữ vũng, đặc biệt từ khi có Công an chính quy về làm việc tại xã, đã kết hợp với ban chỉ huy quân sự làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn được ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra.

 

Bản đồ hành chính
 Liên kết website
Thống kê: 198.385
Online: 27