XÃ THẠCH BÌNH

LONG TRỌNG TỔ CHỨC LỄ HỘI HỌ TRẦN DANH – ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỮ TRẦN DANH HÙNG

Hoà chung trong không khí của nhân dân cả nước, thi đua lao động, sản xuất chào mừng kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của quê hương, đất nước: Ngày giỗ Tổ Hùng Vương (Mồng 10 tháng ba âm lịch); Kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng Miền nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) và ngày Quốc tế lao động 1/5; Hôm nay UBND xã Thạch Bình long trọng tổ chức buổi lễ hội họ Trần Danh - Đón nhận Bằng xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh đối với nhà thờ Trần Danh Hùng, xã Thạch Bình. Đây là hoạt động văn hoá có ý nghĩa thiết thực, nhằm ghi nhận, tôn vinh công lao to lớn của cụ Trần Danh Hùng và cũng là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng cho các thế hệ con cháu ngày nay.

Về tham dự với Lễ hội có đồng chí lãnh đạo sở VHTT&DL tỉnh Hà Tĩnh.

Ở thành phố có đồng chí Trần Hậu Tuấn BTV thành ủy, trưởng ban tuyên giáo, giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị thành phố Hà Tĩnh.

Đồng chí Nguyễn Duy Cường phó phòng VHTT, đồng chí Nguyễn Viết Xuân phó giám đốc TTVHTT thành phố.

Ở xã có đồng chí Nguyễn Trường Giang PBT thường trực Đảng ủy; Đồng chí Trần Đức Thiên PBT Đảng ủy, CTUBND xã ; Đồng chí Lê Hữu Sơn CT MTTQ xã cùng các đồng chí trong thường cụ Đảng ủy, TT HĐND, LĐ UBND, TT UBMTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, hiệu trưởng, hiệu phó 2 nhà trường, trạm y tế, các đồng chí bí thư, thôn trưởng 6 đơn vị và đặc biệt là con cháu họ Trần Danh và đại diện các dòng họ trong toàn xã…

Nhà thờ Trần Danh Hùng tọa lạc trong khu dân cư, trước đây thuộc làng Phất Nạo, tổng Thượng Nhị, huyện Thạch Hà, hiện nay thuộc thôn Tây Bắc, xã Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là nhà thờ của dòng họ Trần Danh ở làng Phất Nạo và là chi họ thứ ba của họ đại tôn Trần Danh ở xã Thạch Thắng (Thạch Hà).  Nhà thờ được con cháu trong dòng họ xây dựng từ rất lâu và trải qua hàng trăm năm lịch sử, nhiều thế hệ con cháu trong dòng họ đã có nhiều đóng góp công sức, tiền của để tôn tạo, xây dựng nơi thờ tự của ông bà tổ tiên và các bậc tiền bối. Hiện nay Nhà thờ đã được xây dựng hoàn chỉnh gồm với các hạng mục như: Tắc môn, Điện thờ và một số công trình phụ trợ khác như cột cờ, cổng chính và tường rào bao quanh. Đây là một công trình có giá trị về văn hoá - lịch sử, là địa chỉ tâm linh đã được các thế hệ con cháu trong dòng họ Trần Danh hết sức trân trọng, dày công lưu giữ, bảo tồn và phát triển trong suốt hàng trăm năm qua.

Về Thuỷ tổ Trần Danh Hùng, ông vốn xuất thân từ Thanh Hóa, sau đó đem theo gia đình di cư vào phủ Hà Hoa xứ Nghệ An vào khoảng giữa thế kỷ XV. Cho đến nay chưa có tài liệu nào ghi rõ ông ra làm việc cho triều đình theo cách thi cử hay gia nhập quân đội, chỉ biết rằng ông chọn theo nghiệp võ, trở thành một võ tướng giỏi thời Nhà Lê. Vì tư liệu về sự nghiệp của ông đã bị thất lạc, mất mát nên không thể xác định được chức vụ, hàm vị của ông lúc sinh thời. Chỉ biết rằng, trong một trận chiến trên vùng biển Thanh Hóa, ông bị thương nặng và qua đời, thi thể không tìm được.  Sau khi ông mất, triều đình hết sức thương tiếc một dũng tướng tài năng vì nước bỏ mình, đã truy phong cho ông là Thượng Tướng quân và giao cho địa phương làng Sâm Lộc (xã Tượng Sơn, Thạch Hà ngày nay) lập đền thờ phụng ngay tại quê nhà, lấy ngày mùng Một tháng Giêng hàng năm là ngày giỗ ông. Đền thờ có quy mô to lớn và đẹp nhất trong vùng với sự góp công sức của các quan viên địa phương, các nhà nho học và nhân dân trong vùng. Ngôi đền thờ được dân địa phương quen gọi là đền Quan Thượng, tương truyền rất to đẹp, làm bằng gỗ lim, nằm giữa cánh đồng, quay mặt về hướng sông Rào Cái. Do thời gian và biến đổi của thời thiết, hiện nay ngôi đền đã bị hủy hoại hoàn toàn, chỉ còn lại 1 phần đất với 2 cột nanh to lớn đồ sộ, trên đó còn lưu giữ một số câu đối chữ Hán.

Theo nhân dân địa phương truyền kể lại: Đây là một ngôi đền rất linh thiêng, kể từ khi xây đền thờ, ông thường hiển linh phù trợ cho dân làng có cuộc sống ổn định, no ấm. Vì thế ngôi đền trở thành chốn tâm linh nổi tiếng trong vùng. Chính vì những câu chuyện truyền kỳ về việc hiển linh độ thế đó, về sau ông đã được các triều vua nhà Nguyễn từ Vua Thành Thái đến Vua Khải Định ban sắc Phong thần.

Theo tài liệu do con cháu để lại thì vào khoảng trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, trong 1 trận lũ lụt rất lớn, một bộ phận đền, tài liệu và đồ thờ tự trong đền bị cuốn ra giữa dòng sông Rào Cái, dân làng địa phương và một số con cháu của ông đang sinh sống ở làng Phất Nạo tổ chức cứu vớt được một đôi kiếm, cờ soái, hòm đựng sắc phong thần thời Nguyễn và các loại đồ thờ. Các di vật này, sau đó được con cháu làm lễ xin rước về xã Phất Nạo, xây điện thờ cụ tại đây và thờ phụng cho đến ngày nay. Ngôi đền cũ dần bị xuống cấp, ngày nay chỉ còn lại hai cột nanh đứng sừng sững giữa cánh đồng, ghi lại dấu vết  một thời. Qua thời gian sau đó các Bằng sắc cũng bị hỏng mất, được các cụ đồ nho chép tay lại, và đã được Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức phục chế vào năm 2019. Hiện có 2 tờ sắc phong do Vua Thành Thái và Vua Khải Định lưu tại nhà thờ có nội dung như sau:

+ Sắc phong vua Thành Thái phong ban năm 1894, nguyên văn chữ Hán phiên âm có nội dung:

  •  

Thành Thái lục niên cửu nguyệt nhị thập ngũ nhật

Dịch nghĩa:Sắc ban cho thôn Sâm Lộc xã Hoàng Hà huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh phụng thờ Địch Cần Phụ Quốc Thượng tướng quân chi thần, tỏ rõ linh ứng, từ trước tới nay chưa được dự phong. Đến nay Trẫm nối thừa mệnh lớn, nhớ đến ơn thần nên phong cho thần là Dực bảo Trung hưng linh phù chi thần. Chuẩn cho phụng thờ như cũ. Thần hãy giúp đỡ, che chở dân ta. Kính vậy thay !.

+ Sắc phong vua Khải Định ban phong năm 1924, nguyên văn chữ Hán phiên âm có nội dung:

 Sắc Hà Tĩnh tỉnh Thạch Hà phủ Hoàng Hà xã Sâm Lộc thôn phụng sự nguyên tặng Dực bảo Trung hưng Linh phù Địch Cần Phụ quốc Thượng tướng quân tôn thần hộ quôc tí dân nậm trứ linh ứng. Tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trị trẫm tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật trứ gia tặng Đoan túc tôn thần. Đặc chuẩn phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai.

Dịch nghĩa: Sắc ban cho thôn Sâm Lộc xã Hoàng Hà phủ Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh phụng thờ vị thần nguyên được tặng là Dực bảo Trung hưng linh phù Địch Cần Phụ quốc Thượng tướng quân tôn thần, cứu nước giúp dân tỏ rõ linh ứng, từng được ban cấp sắc phong, cho phép phụng thờ. Nay vào dịp mừng thọ Trẫm tứ tuần, ban cho chiếu báu ân lớn, theo lễ nâng bậc, gia phong cho thần là Đoan túc tôn thần. Đặc chuẩn cho phép phụng thờ để ghi nhớ ngày quốc khánh và nối dài điển lễ thờ tự. Kính vậy thay !

Ngày nay tại đền Hòa Thắng, xã Thạch Thắng (Thạch Hà) vẫn còn lưu lại nhiều bài cúng trong đó có bài cúng Thượng Tướng quân Trần Danh Hùng, có nội dung “Thượng tướng hải quân dũng liệt hy sinh hiến công vệ quốc, vương phong bản sắc, hạ chỉ kiến thiết linh đền Trần Danh tướng công (húy Hùng) tôn thần.

Kính thưa quý vị đại biểu !

Về con cháu cụ Trần Danh Hùng, theo gia phả dòng họ ghi lại thì sau khi vào vùng Bạch Trì lập nghiệp, cụ Trần Danh Hùng sinh hạ được 2 con trai là Trần Danh Quán và Trần Danh Mạnh:

+ Người con thứ nhất Trần Danh Quán, sinh ra, lớn lên và lập nghiệp ở xã Thạch Thắng, lấy vợ và sinh hạ được 2 người con trai là: Trần Danh Quý, có con cháu hiện nay ở  xã Tượng Sơn và Thạch Thắng (Thạch Hà) và Trần Danh Hiền, có con cháu hiện nay ở xã Thạch Bình chúng ta và là chi tộc thờ tự Thuỷ tổ Trần Danh Hùng hiện nay.

+ Người con trai thứ 2 là Trần Danh Mạnh, lớn lên đi làm nghề dạy học, lấy vợ và lập nghiệp ở xã Cẩm Bình, sinh ra các thế hệ con cháu ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên ngay nay.

Người khai nhánh dòng họ Trần Danh ở xã Thạch Bình, nơi thờ tự ông Trần Danh Hùng ngày nay là ông Trần Danh Tư, cháu đời thứ tư của Trần Danh Hùng. Thửa thiếu thời, ông là người nổi tiếng thông minh, hiếu học, được cụ Nghè Nguyễn Hoành Từ rất coi trọng, đem gả con gái là Nguyễn Thị Đông cho và đưa về Phất Nạo giúp học hành. Sau đó ông đã đi thi và đậu đến Tam trường, nhưng sau đó trở về quê làm ruộng, phát triển chi nhánh Thạch Bình thành một trong những họ lớn tại đây. Đến nay, nhà thờ họ Trần Danh ở Phất Nạo còn lưu giữ lại được một số tư liệu của hậu duệ Trần Danh Hùng là Trần Danh Trứ và Trần Danh Chính. Trong đó có 8 bằng cấp, chiếu, trát sức, sắc bổ thụ cho Trần Danh Trứ thời nhà Nguyễn. Ông từng giữ các chức Ngũ trưởng, Chánh đội trưởng nội vệ quân Thần Sách tỉnh Hà Tĩnh bậc Chánh lục phẩm. Ông được đánh giá là người mẫn cán, tận tụy được thượng cấp khen ngợi nhiều lần. Ông làm quan trải 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, năm 1849 về hưu tại quê nhà...Bằng cấp chức Lý trưởng cho ông Trần Danh Chính, tờ bẩm tập ấm cho ông Trần Danh Chấn. Đây đều là các văn bản hành chính của triều đình nhà Nguyễn.

Theo nhiều tài liệu để lại, có thể khẳng định rằng: Hậu duệ của Trần Danh Hùng nói chung, của chi nhánh Phất Nạo nói riêng về sau đã có nhiều người đi theo con đường học hành, khoa cử. Họ đều là những người sống nghĩa khí, được nhân dân trong vùng kính trọng, nhiều người làm lý trưởng, thân hào ở địa phương. Cuối thế kỷ XIX có ông Trần Danh Tuấn (Tượng Sơn), giữ chức Đốc Biện, thời Nguyễn, em trai Trần Danh Tuấn là ông Trần Danh Lập (còn gọi là Đề Quynh) được mệnh danh là một võ quan giỏi cầm quân và nhiệt thành yêu nước, nổi tiếng tinh thông võ nghệ. Năm 15 tuổi ông vào học trường võ, đỗ Giải nguyên Võ khoa thi Bính Tý (1875), trong lần thi ấy ông đỗ đầu cả 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh và nhận chức Đội trưởng Đội Phấn võ Nghệ An. Năm 1881, ông được phong chức Chánh đội trưởng, cuối năm 1882 được điều động ra làm Phó quản cơ cơ Trung uy ở tỉnh Bắc Ninh. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, Trần Danh Lập đã tham gia tích cực, được cụ Phan Đình Phùng giao cho phụ trách quân thứ Thạch Hà, tổ chức nhiều trận đánh làm thất điên bát đáo quân Pháp và bè lũ tay sai. Sau khi nghĩa quân Phan Đình Phùng thất bại, ông bị thực dân Pháp bắt và xử chém tại đèo Ngang, thị xã Kỳ Anh ngày nay.

Trong buổi đầu Cách mạng của thế kỷ XX, nhiều con cháu dòng họ Trần Danh đã tham gia các tổ chức cách mạng địa phương, tiêu biểu có ông Trần Danh Cấu (sinh năm 1921), tham gia Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, từng giữ chức Bí thư Huyện ủy Thạch Hà, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh, cán bộ Ban tổ chức Trung ương Đảng. Nhiều thế hệ con cháu khác đã lên đường tham gia hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập tự do cho đất nước. Trước và sau các cuộc chiến tranh giữ nước, nhiều thế hệ con cháu đã thành đạt theo con đường học vấn, đã và đang tham gia hoạt động xã hội ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên mọi miền đất nước.

Từ những nhân vật, sự kiện và hình ảnh trên đây, chúng ta có thể thấy rằng: dòng họ Trần Danh là một dòng họ có nhiều công lao đóng góp cho quê hương đất nước, trong đó tiêu biểu là cụ thủy tổ Trần Danh Hùng người đã có công khai dân lập làng ở vùng đất Bạch trì từ khoảng thế kỷ thứ XV đến nay và là người sinh ra các thế hệ con cháu trong dòng họ Trần Danh các xã Thạch Thắng, Tượng Sơn (Thạch Hà), Cẩm Bình (Cẩn Xuyên) và Thạch Bình (thành phố Hà Tĩnh). Chính vì vậy, để tỏ lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, việc thờ phụng cụ Trần Danh Hùng đã được các bậc hậu duệ, con cháu dòng họ Trần Danh hết sức chăm lo và gìn giữ. Hàng năm cứ vào dịp tết, lễ, ngày rằm, Con cháu: nội, ngoại, gần, xa lại tề tựu về xã Thạch Bình để dâng hương, hoa, lễ vật trước vong linh tiên tổ để tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao to lớn của các bậc tiền nhân và góp phần giáo dục, nhắc nhở cháu con tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, chí khí quật cường trong đánh giặc và việc học hành, khoa cử. Chính sự thờ phụng này đã như một sợi dây liên lạc vô hình, giúp địa phương, dòng họ đoàn kết, hoà đồng, sống nương tựa vào nhau, các phong tục truyền thống tốt đẹp của làng quê, đất nước được tiếp tục bảo tồn.

Ngày nay, dù cuộc sống đang còn khó khăn, vất vả, nhưng các thế hệ con cháu trong dòng họ, dù đang sinh sống ở quê hương hay công tác, làm ăn ở xa, vẫn giữ được nề nếp gia phong, luôn cần cù trong lao động, sống đoàn kết, thương yêu đùm bọc và làm tròn trách nhiệm công dân, góp phần xây dựng gia đình, dòng tộc và quê hương không ngừng lớn mạnh. Vì vậy, việc nhà thờ Trần Danh Hùng được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh hôm nay, chính là sự ghi nhận công lao to lớn đối với người có công trong việc bảo vệ giang sơn đất nước. Đồng thời đặt ra trách nhiệm cho con cháu dòng họ cũng như chính quyền và nhân dân địa phương ý thức quản lý, bảo vệ để di tích trở thành một địa chỉ giáo dục văn hoá, lịch sử cho các thế hệ mai sau.

Phát huy truyền thống của các vị tiền nhân, trong suốt chiều dài lịch sử, người dân Thạch Bình, luôn tích cực trong học tập và lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Vì vậy, trong những năm gần đây làng quê Thạch Bình đang từng ngày thay da, đổi thịt; ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng bền vững trong phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Kinh tế có mức tăng trưởng khá, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh cho thu nhập ở mức cao; đời sống người dân trên địa bàn ổn định và phát triển. Đến năm 2021 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 43 triệu đồng/ người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 2,5%. Văn hóa - xã hội có sự chuyển biến mạnh mẽ. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ngày càng được quan tâm phát triển; Việc thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân  cư" đã được gắn với thực hiện phong trào" Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới" và đã được đẩy mạnh, được mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tham gia hưởng ứng tích cực. Đến nay toàn xã có trên 95% số gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa"; có 6/6 thôn đạt và giữ vững liên tục nhiều năm danh hiệu "Thôn văn hóa".  Đời sống văn hoá, tinh thần phát triển tốt. Phong trào văn hóa, văn nghệ, Thể dục Thể thao luôn được mọi tầng lớp nhân dân tham gia tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường luôn được cấp ủy, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân quan tâm. Đã 02 trường đạt chuẩn quốc gia; Hàng trăm người có bằng tốt nghiệp Đại học; học vị Thạc sỹ; Tiến sỹ; Có người trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp…;

Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn luôn được quan tâm chú trọng; là xã sớm được công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trên địa bàn có trên 92% số người tham gia Bảo hiểm y tế. Toàn xã có 5 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng; quốc phòng an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị vững mạnh, nhân dân đoàn kết cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách cúa Nhà nước. Năm 2021 xã Thạch Bình vinh dự được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.

Phát huy truyền thống của Đơn vị “Anh hùng lực lượng vụ trang nhân dân” và những thành tích đã có, trong thời gian tới, khó khăn tuy còn nhiều, nhưng Đảng bộ và nhân dân xã Thạch Bình tiếp tục quyết tâm đoàn kết một lòng, chung tay, gắng sức trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Phấn đấu hoàn thành các Tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025

Thạch Bình từ lâu đã được coi là một miền quê tụ đầy Khí thiêng của trời đất, lắm người tài giỏi, nhưng trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế ngày nay, vẫn còn nhiều khó khăn vất vả. Vì vậy, trong thời gian tới mong muốn thiết tha của Đảng bộ và nhân dân xã Thạch Bình là tiếp tục đón nhận sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan cấp tỉnh, Thành phố Hà Tĩnh và con em xa quê, tạo điều kiện Thạch Bình phát triển, xứng đáng với sự kỳ vọng và lợi thế của vùng đất ven đô trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và việc nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho người dân nói riêng.

                                                                                                                                                                              Hùng Lâm

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 199.183
    Online: 5