BÀI TUYÊN TRUYỀN MỘT SỐ NỘI DUNG LUẬT TỐ CÁO NĂM 2018
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG LUẬT TỐ CÁO
Trong những năm qua, Luật tố cáo năm 2011 đã tạo hành lang pháp lý để công dân thực hiện quyền tố cáo; giúp các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ nói riêng. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy Luật tố cáo năm 2011 cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.
Vì vậy việc xây dựng Luật tố cáo mới nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và quyền tố cáo của công dân là quyền con người. Xây dựng Luật tố cáo mới nhằm tiếp tục quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Từ đó việc ban hành Luật tố cáo năm 2018 để thay thế Luật tố cáo năm 2011 là cần thiết.
II. BỐ CỤC VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT TỐ CÁO
Luật Tố cáo năm 2018 bao gồm 9 chương với 67 điều.
III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT TỐ CÁO
1. Phạm vi điều chỉnh
Luật tố cáo quy định phạm vi tố cáo gồm tố cáo và giải quyết tố cáo đối với 2 nhóm hành vi vi phạm pháp luật:
- Tố cáo hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
- Bên cạnh đó, Luật tố cáo còn quy định về vấn đề bảo vệ người tố cáo, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.
2. Về hình thức tố cáo, tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo
- Hình thức tố cáo: Tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.
- Tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo:
+ Đối với đơn tố cáo được gửi đến nhiều nơi: trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cơ quan , tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc trường hợp đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo không xử lý. Quy định này nhằm tránh tình trạng người tố cáo gửi đơn tố cáo tràn lan, vượt cấp, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả cho các cơ quan, tổ chức trong việc xử lý đối với tố cáo không thuộc thẩm quyền.
+ Đối với đơn tố cáo nặc danh: khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên , địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 Luật tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định của Luật tố cáo.
Trường hợp thông tin có nội dung tố cáo có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật , có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tr, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.
3. Bảo vệ người tố cáo
Việc bảo vệ người tố cáo nhằm bảo vệ, khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Hơn nữa, bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của Nhà nước, là sự thể hiện cụ thể và sinh động bản chất của Nhà nước ta của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
- Người được bảo vệ gồm: người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo.
- Phạm vi bảo vệ gồm: bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo, bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.
Trên đây là một số nội dung của Luật Tố cáo năm 2018./.
Công chức Tư pháp – Hộ tịch
Hoàng Thị Thúy Hà