Trần Viết Thứ, sinh năm Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18, đời vua Lê Thánh Tông (1487), mất năm Bính Thìn, niên hiệu Thuận Bình thứ 8, đời vua Lê Anh Tông (1556), quê ở làng Phất Náo, huyện Thạch Hà, nay là xã Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Về sau, hậu duệ dòng họ chuyển cư đến làng Phương Duệ, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên và đổi họ là Trần Đình. Hiện nay Trần Viết Thứ được thờ tại Nhà thờ họ Trần Đình, xóm Hưng Mỹ, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

     Tiến Sĩ Trần Viết Thứ

Danh nhân Trần Viết Thứ, vị TIẾN SĨ đầu tiên của LÀNG PHẤT NÃO là đại quan vừa có ân vừa có uy nỗi tiếng với câu nói “Đã là trung thần thà chết không chịu nhục, đại trượng phu lẽ đâu lại thờ hai chúa ...” 

Nay xin được sơ lược đôi nét về cuộc đời thân thế sự nghiệp của Tiến sĩ Trần Viết Thứ để mọi người được biết đến.

Trần Viết Thứ, sinh năm Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18, đời vua Lê Thánh Tông (1487), mất năm Bính Thìn, niên hiệu Thuận Bình thứ 8, đời vua Lê Anh Tông (1556), quê ở làng Phất Náo, huyện Thạch Hà, nay là xã Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Về sau, hậu duệ dòng họ chuyển cư đến làng Phương Duệ, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên và đổi họ là Trần Đình. Hiện nay Trần Viết Thứ được thờ tại Nhà thờ họ Trần Đình, xóm Hưng Mỹ, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Thuở nhỏ, Trần Viết Thứ là người thông minh học giỏi như một thần đồng, được gia đình chăm sóc và lo cho ăn học đến nơi, đến chốn. Khoa thi Tân Mùi, năm Hồng Thuận thứ 3 đời vua Lê Tương Dực (1511), Trần Viết Thứ thi đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Cùng đỗ khoa thi này, tỉnh Hà Tĩnh còn có Bảng nhãn Trần Bảo Tín (người xã Khải Mông, huyện Nghi Xuân, nay là thị trấn Xuân An), Tiến sĩ Phan Chánh Nghị (người xã Phan Xá, huyện Nghi Xuân, nay là xã Xuân Mỹ), và Tiến sĩ Thái Kính (người xã Kiệt Thạch, huyện Thiên Lộc, sau dời sang xã Đậu Liêu, nay thuộc thị xã Hồng Lĩnh). Các tư liệu lịch sử chép về Tiến sĩ Trần Viết Thứ đều thống nhất về khoa thi và hành trạng của Tiến sĩ Trần Viết Thứ như sau:

Sách “Nghệ An ký” của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, mục “Những văn nhân có tên ở sử sách” ghi rõ: “Trần Viết Thứ, người xã Phất Náo, huyện Thạch Hà. Theo Đăng khoa lục, ông đỗ đồng Tiến sĩ khoa Tân Mùi, đời Lê Tương Dực, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511), làm đến Đô cấp sự trung, (chết) Tiết nghĩa.

Gia phả nhà ông chép: Ông có lần được làm Thanh chiếu đi thanh tra các đạo, có ân có uy, được thăng Tế tửu Quốc Tử Giám. Sau vì có việc bị cách chức. Đến khi họ Mạc cướp ngôi, sai mời ông ra, ông không chịu khuất phục rồi tự tử. Ông có 5 người con trai, đều đỗ Hương cống, sau di cư sang huyện Kỳ Anh” (1)

Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, mục “Nhân vật đời Lê” chép “Trần Viết Thứ, người xã Phất Náo, huyện Thạch Hà, đỗ Tiến sĩ đời Lê Hồng Đức, làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Nhà Mạc cướp ngôi, sai người mời, Thứ không chịu khuất mà chết; Sau khi nhà Lê trung hưng, truy tặng Thượng thư. Có 5 người con, đều đỗ Hương cống, sau dời đến ở huyện Kỳ Anh” (2).

Sách “Hà Tĩnh nhân vật chí” của Nguyễn Hoằng Ân chép nội dung gần với sách “Nghệ An ký” là “Trần Viết Thứ người xã Phất Náo, huyện Thạch Hà, đỗ đồng Tiến sĩ khoa Tân Mùi, hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511), làm quan đến Đô cấp sự trung. Tư phả chép: Ông thường làm Thanh sát sứ đi thanh tra các đạo, luôn giữ nếp thanh liêm, nên được vua thăng đến chức Quốc Tử Giám Tế tửu. Sau lại bị cách chức. Đến khi họ Mạc cướp ngôi, sai mời ông ra làm quan, nhưng ông không chịu nhận rồi uống thuốc tự tử. Ông có 5 người con trai, đều đỗ Hương cống, rồi đều di cư sang huyện Kỳ Hoa”

Sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919)” cũng ghi rõ “Trần Viết Thứ (1487-1556), người xã Phất Náo, huyện Thạch Hà, nay là xã Thạch Bình huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận 3 (1511) đời Lê Tương Dực” (4).

Còn sách “Các nhà khoa bảng Hà Tĩnh” (từ đời Trần đến đời Nguyễn” của Thái Kim Đỉnh cũng chép: “Trần Viết Thứ (?.. ?), người xã Phất Náo, huyện Thạch Hà, đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ, làm quan đến Đô cấp sự trung. Không chịu làm quan với nhà Mạc, khi Lê Trung hưng, được phong Tiết nghĩa” (5).

Sống và làm quan trong một giai đoạn lịch sử hết sức phức tạp, thời kỳ nhà Lê suy vong, nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, dựng lên triều đại nhà Mạc, gây ra nhiều cuộc chiến xung đột đẫm máu giữa các phe phái phong kiến, đẩy nhân dân vào cảnh lầm than, đói khổ. Đứng trước tình hình ấy, Tiến sĩ Trần Viết Thứ đã đem hết sức mình để phục vụ đất nước, ổn định tình hình chính trị, đưa lại cuộc sống yên bình cho nhân dân; với sự mẫn cán của mình, với trọng trách được triều đình giao phó, Tiến sĩ Trần Viết Thứ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình với các chức vụ: Đô cấp sự trung, Thanh sát sứ các châu, đạo, Tế tửu Quốc Tử Giám, được đánh giá là làm việc “vừa có ân vừa có uy”…

Tuy nhiên, sau khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê vào năm Đinh Hợi (1527), Tiến sĩ Trần Viết Thứ với nhận thức “Tôi trung không thờ hai vua” đã từ quan về quê hương bản quán, sống cuộc sống điền viên, dạy dỗ con cái học hành trưởng thành, với 5 người con trai đều đỗ Hương cống, về sau làm quan Tri huyện ở nhiều tỉnh trên cả nước; hướng dẫn nhân dân khai khẩn, mở rộng đất đai canh tác, làm thủy lợi đồng ruộng…Biết Tiến sĩ Trần Viết Thứ là người trung thực, thanh liêm và có uy tín lớn, nhà Mạc đã mời ông ra cộng tác với triều đại mới, nhưng ông đã từ chối. Bị ép phải làm quan với nhà Mạc, ông đã uống thuốc độc tự tử.

Sau khi triều Lê Trung hưng, đã phong cho ông là Công thần Tiết nghĩa, được lập đền thờ tại làng Phất Náo, phủ Thạch Hà, tôn ông làm Thành hoàng làng Phất Náo, cùng thờ với Tiến sĩ Nguyễn Hoành Từ, người làng Phất Náo, đỗ Tiến sĩ khoa thi Đinh Sửu (1577). Đền thờ này có kiến trúc rất đẹp, hiện nay vẫn còn ở xã Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh, đã bị xuống cấp nghiêm trọng, đã được nhân dân địa phương tu sửa lại một phần để thờ tự. Về sau, con cháu hậu duệ của Tiến sĩ Trần Viết Thứ đã di cư vào sang huyện Kỳ Hoa (tức làng Phương Duệ, huyện Cẩm Xuyên hiện nay) và đổi tên họ là Trần Đình. Vì vậy, hiện nay tại Nhà thờ còn có câu đối để nhớ về quê hương nguồn cội:

“Tự tích tiên khai tại Bạch Trì

 Phúc khánh trường lưu vu Phương Duệ”.

 

 Trần Phong

                   

 

 

 

 

Tự sản xuất


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Bản đồ hành chính
       Liên kết website
      Thống kê: 172.986
      Online: 7